Cây cẩu kỷ, trồng vùng lạnh rất dễ, chỉ cần cắm cây là ra rễ, nó nhảy dữ lắm.
Lá mới ra còn non, cho lá tươi vô tô, nước canh nóng chan vào tô mới không bị đắng.
Cẩu kỷ mùa thu có bông tím và trái chín đỏ rất đẹp, trái cẩu kỷ gọi là kỷ tử.
Câu kỷ, Rau khởi - Lycium chinense Mill., thuộc họ Cà Solanaceae.
Mô tả: Cây nhỡ cao đến 1,5m, cành cong và ngả xuống có thể dài tới 4m, không gai hay có ít gai thẳng, màu xám vàng, lá mọc so le, hay tập hợp 3-5 cái một; cuống dài 2-6mm; phiến thoi-xoan, dài 2-6cm, màu lục bóng. Hoa cô độc hay nhóm 3 cái một ở nách lá, đài không lông; tràng màu tía có ống ngắn hơn cánh hoa. Quả mọng dài đến 2cm, đỏ sẫm hay đổ cam, hình trứng; hạt nhiều to 2-2,5mm, hình thận.
Bộ phận dùng: Vỏ rễ - Lycii Cortex Radicis, thường gọi là Địa cối bì, có khi dùng cả quả - Fructus Lycii. Lá có thể dùng để ăn như lá rau Khủ khởi.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Tây Á châu, cũng mọc hoang đó đây ở Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, được nhập vào trồng ở Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam... Người ta thường trồng làm cây cảnh và lấy các bộ phận làm thuốc. Thu hái rễ vào mùa thu, rửa sạch, bóc vỏ, phơi hay sấy khô. Còn quả thu hái lúc chín, phơi trong râm; khi vỏ quả bắt đầu nhăn mới phơi hay sấy nhẹ đến khô.
Thành phần hóa học: Trong rễ có betain, lyciumanid, sugiol, acid malissic. Trong quả có betain, acid ascorbic, acid nicotianic. Cành lá chứa protein 3,5%, lipid 0,72%, glucid 2,25%, tro 1,37%, rất giàu vitamin A.
Tính vị, tác dụng: Địa cốt bì có vị đắng, tính mát, có tác dụng làm mát huyết, mát phổi. Câu kỷ tử có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, nhuận phế, mạnh gân xương, lại có tác dụng làm hạ đường huyết. Lá có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh lương giải độc, trừ phiền, an thần, tiêu nhiệt, tán nhọt.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả Câu kỷ dùng làm thuốc cường tráng chữa chứng tiêu khát, lưng và chân suy yếu, chuyên chữa về bệnh mắt do suy dinh dưỡng; cũng dùng làm hạ đường huyết. Thường dùng ngâm rượu. Vỏ rễ dùng làm thuốc giải nhiệt, mát huyết, chữa ho, ho ra máu. Lá dùng làm rau ăn (Rau khởi) có nhiều tác dụng:
1. Rau khởi bình can: Người can hoả nặng, thường đầu choáng mắt hoa, thần trí bứt rứt, đêm ngủ không yên, có thể xào rau ăn với đường hoặc nấu canh ăn. Người mắt đỏ khô, gốc mắt nhiều ghèn, ăn rau khởi có công hiệu tốt. Người can hoả đặc biệt vượng, ngoài việc ăn nhiều canh rau khởi, dùng rễ cây Câu kỷ (Địa cốt bì) 5 chỉ. Xuyên tâm liên 1 chỉ. Câu kỷ tử 3 chỉ. Cam thảo 1 chỉ, nấu nước uống thay trà, có công hiệu đối với người hay nóng mắt. Người huyết hư, can hoả vượng có thể nấu canh rau khởi với gan lợn, gan gà cũng rất có ích.
2. Rau khởi thanh phế: Trẻ em sau khi ban sởi mọc, phổi rất nhiệt, nên dùng rau khởi và măng tre nấu nước uống. Để chữa các bệnh như ho gà, lao phổi, bệnh sốt cao, dùng rau khởi và vỏ rễ của nó nấu nước thay trà.
Ghi chú: Trong Dược điển của Trung Quốc, với tên Địa cốt bì người ta sử dụng vỏ rễ của 2 loại: Câu Kỷ - Lycium chinense Mill. và Ninh hạ câu kỷ hay Trung Ninh câu kỷ - Lycium barbarum Ait.; còn Câu kỷ tử là quả của cây Ninh hạ câu kỷ. Ninh hạ câu kỷ là cây nhỏ có nhánh mảnh, và trườn khá dài, lá xoan ngọn giáo dài 2-3cm, rộng 2-5mm, tù; hoa trắng tía, ống tràng dài hơn cánh hoa. Quả nang xoan, đỏ da cam hay hồng, có kích thước 10-20mm x 5-10mm. Quả chứa betain, zeaxanthin và physalein có tác dụng kích dục, các lá non chứa acid cyanhydric.
http://www.lrc-hueuni.edu.vn/dongy/show_target.plx?url=/thuocdongy/C/CauKy.htm&key=&char=C
0 nhận xét:
Đăng nhận xét